Điều gì ta nghe?


Một người vào Nam chơi, đi qua cầu Phú Long, thấy cả một vùng sông nước mênh mông cuộn chảy, bèo dạt thênh thang, trời chiều lộng gió, xanh um bóng dừa hai bên ven làng xóm... Anh ta về bảo sông ở trong Nam đẹp lắm.



"Sông ở trong Nam" là khái niệm tổng quát. Khúc sông ở dưới cầu Phú Long chỉ là một phần bé nhỏ trong khái niệm đó. Nơi ngã ba sông anh ta thấy thực sự đẹp, nhưng còn bao nhiêu chỗ khác nước dơ, sông đục, quanh năm bốc mùi. Nghe ai khen hay chê điều gì thì chỉ nên tin vào đúng cái phần mà người ta thực sự nắm bắt được thôi. Đem những xét đoán cho một trường hợp cá biệt nâng cấp lên thành quan niệm về cái tổng quát, tất yếu sẽ làm nảy sinh những ý niệm lệch lạc đối với hiện thực.

Trên chiều sâu ký ức, con người thường bị chi phối bởi các định kiến. Ấn tượng ban đầu gieo vào lòng người ta một lần, rồi cứ đọng mãi theo năm tháng. Khi ai đó từng ra Bắc bảo với bạn rằng món bánh gai ở đó ngon tuyệt, mà bạn chưa nếm thử lần nào, thì hãy tin những cái bánh gai anh ta đã từng ăn thực sự ngon, nhưng hãy nghi ngờ mệnh đề "bánh gai ngoài Bắc ngon tuyệt". Có thể đó là vì anh ta may mắn được ăn bánh gai do một bà lão mát tay ở thôn Ninh Giang làm ra. Còn những chiếc bánh gai mà sau này bạn sẽ ăn chưa chắc đã vừa miệng. Đừng kỳ vọng nhiều vào nơi kinh nghiệm cá nhân của người khác. Kinh nghiệm gắn liền với định kiến, sự gạn lọc qua một màng lưới chủ quan đan kết bởi hai chiều thích và không thích. Người ta không chủ tâm lừa dối, nhưng người ta chỉ có thể phản ánh đến bạn một phần hiện thực còn sót lại.

Tôi rất thích lắng nghe và suy nghĩ về tất cả những điều người khác nói. Nhưng tôi chẳng bao giờ tin tất cả những điều người khác nói.