Krishnamurty nói về Tự do

Dạo trước mình rất thích triết học, cũng tìm hiểu được chút ý tưởng của các cụ Aristote, Platon, Spencer, Kant… bên Tây, Khổng, Lão, Trang, Hàn… bên Tàu, lại có thói quen dẫn lời các cụ ấy coi như chân lý, mãi đến khi gặp được Krishnamurty thì mới nhận ra mọi thứ chủ thuyết trên đời đều không bằng cái tự bản thân ta thức ngộ được.

Thế giới quan của Krishnamurty có thể gọi là một dạng “triết học phi triết học” vì ông không đề xướng bất cứ học thuyết nào, chỉ lấy cái Ngã tâm linh trong Hiện tại mà đối diện với ngoại giới. Một khi loại bỏ được các giáo điều, định kiến, võ đoán… thì sẽ cảm nhận được ngoại giới bằng sự Hồn nhiên, Vô tư nhất của Trí tuệ.

Jiddu Krishnamurti


Trong video dài hơn 30 phút dưới đây sẽ có khoảng 6 phút đầu giới thiệu qua về cuộc đời Krishnamurty, tiếp đó là một số buổi nói chuyện ông đề cập đến vấn đề tự do.

Tự do, chúng ta thường hiểu là được tùy ý làm cái mình muốn, không bị ai ngăn trở, cấm đoán. Một con người tự do là một con người có thể sống bất cứ lối sống nào anh ta muốn, nói bất cứ điều gì anh ta thích. Một đất nước tự do là một đất nước không lệ thuộc thế lực nào và có đủ sức mạnh để ban phát tự do cho mỗi công dân của nó.

Nhưng trong quan điểm của Krishnamurty thì đó chỉ là lớp vỏ ngoài thô thiển của khái niệm tự do. Ông hướng đến một khái niệm mang tính tâm linh nhiều hơn, một sự tự do từ bên trong, sự tự do chân thật hình thành bởi thấu hiểu và minh triết.

Hình dung một tên cướp bị bắt giam ngồi trong tù nhớ lại thời vang bóng, khao khát gặp lại huynh đệ cũ, ngồi bên nhau chén tạc chén thù, cưỡi xe phân khối lớn chạy đua với cảnh sát… Tức là trong trí óc hắn có hai thế giới đối lập. Một nơi muốn làm gì thì làm, một nơi bị quản thúc mọi mặt. Khi hắn đặt 2 thế giới cạnh nhau và so sánh, hắn sẽ thấy rõ một bên là tù túng, bức bách, bên kia mới là khoái hoạt, vui sướng. Và do vậy, hắn bị những cảm xúc tiêu cực vây bủa, hành hạ, từ đó tạo ra nuối tiếc, đau khổ, uất hận… Nhưng nếu hắn đột nhiên thức ngộ, đột nhiên nhận ra ở trong khoảnh khắc này, ở nơi đây, nhà giam này là thế giới của hắn, nơi hắn đang thuộc về, nơi hắn tồn tại, hít thở và suy nghĩ. Hắn có thể nảy sinh những cảm nhận đặc biệt khác.

Nếu chỉ dừng ở bề ngoài khái niệm tự do thì không ai trong cõi đời này thực sự tự do. Chúng ta phụ thuộc các quan hệ xã hội, chịu các quy luật tự nhiên, suy nghĩ của chúng ta bị nô lệ bởi tầng tầng lớp lớp kiến thức, kinh nghiệm đến từ người khác. Chúng ta luôn cảm thấy các rào cản và mong muốn bứt phá để đạt đến tự do. Nhưng tất cả sẽ là vô nghĩa nếu chúng ta không tìm thấy tự do từ nội tâm của chính mình.

Mời các bạn cùng xem và suy ngẫm: