Chuyện kể về các trình duyệt web

Microsoft đã quyết định dùng tên Microsoft Edge cho Project Spartan. IE, kẻ thống trị một thời xem như đã chết. Đây là lúc chúng ta nên dành đôi phút nhìn lại lịch sử WWW và mấy cuộc đại chiến trình duyệt trong 25 năm qua. Rất nhiều điều thú vị :)

Web browsers

Sự khởi đầu của web

Web, hay World Wide Web, hay WWW, được Sir Timothy John “Tim” Berners-Lee, một nhà khoa học máy tính người Anh làm việc ở CERN, sáng tạo ra vào năm 1989. Bạn nào từng đọc “Thiên thần và Ác quỷ” của Dan Brown chắc hẳn cũng đã nghe tới CERN – Tổ chức Nghiên cứu Nguyên tử Châu Âu. Chữ viết tắt CERN là do tiếng Pháp: “Conseil Européen pour la Recherche Nucléaire”.

Theo định nghĩa hàn lâm, web là một hệ thống thông tin của những văn bản được liên kết lẫn nhau và có thể truy cập thông qua môi trường internet.


Tim Berners-Lee


Để truy cập và đọc những “văn bản được liên kết lẫn nhau” đó, Tim viết ra một phần mềm gọi là trình duyệt web. Thế là năm 1990, web browser đầu tiên của thế giới ra đời với cái tên là WorldWideWeb mà sau đó ít lâu được đổi thành Nexus để tránh lẫn lộn với khái niệm WWW ở trên.

Nexus - Trình duyệt web đầu tiên


Từ đó cho đến 1993 cũng xuất hiện thêm một vài trình duyệt web khác như Line Mode Browser, ViolaWWW, Erwise, MidasWWW, MacWWW, Cello, Arena, Lynx, tkWWW… nhưng không cái nào gây được nhiều dấu ấn.

Bấy giờ Marc Andreessen vẫn đang là sinh viên và làm trợ lý bán thời gian cho NCSA thuộc đại học Illinois.


Marc Andreessen

Marc Andreesen và cuộc phân tranh của bộ tộc Mosaic

Công việc ở NCSA tạo cho Marc cơ hội tiếp cận thế giới web mà rất ít người có được. Anh thấy rằng các trình duyệt web lúc ấy vừa nghèo chức năng vừa khó sử dụng. Vì thế anh quyết định viết ra một browser hỗ trợ tốt hơn, thân thiện với người dùng hơn, có giao diện đồ họa trực quan hơn.
Năm 1992, Marc chiêu mộ thêm Eric Bina – cũng là nhân viên của NCSA – để cùng anh thực hiện ý định. Cả hai bắt đầu cày ngày cày đêm. Eric sau này kể lại rằng họ thường làm việc 3 hay 4 ngày liên tục, rồi nghỉ một ngày! Sản phẩm được đặt tên là Mosaic.

Đầu năm 1993, NCSA cho download Mosaic từ máy chủ của họ. Trình duyệt này lập tức trở nên phổ biến.


NCSA Mosaic

Mosaic là trình duyệt web đầu tiên có giao diện đồ họa hoàn chỉnh, lần đầu tiên hỗ trợ các giao thức FTP, gopher… mà về sau rất quen thuộc. Một số HTML tags mới như CENTER, IMG… cũng được thêm vào. Đặc biệt, với tag IMG, lần đầu tiên các hình ảnh được hiển thị ngay trong trang web.

Một sáng tạo quan trọng khác của Mosaic là hyperlink. Trước kia các liên kết trên web có những con số tham chiếu như kiểu danh mục tham chiếu trong các tài liệu hàn lâm. Người ta phải gõ chúng để đi tới nội dung ở trang đích. Mosaic xử lý hyperlink giống như các trình duyệt ngày nay, cho phép user chỉ cần click là tới.

Vai trò của Mosaic trong lịch sử WWW quan trọng đến mức người ta có thể chia internet ra 2 thời kỳ, trước Mosaic và sau Mosaic. Nhưng khi Mosaic được vinh danh thì NCSA hầu như lãng quên công sức của Marc và cộng sự. Vì vậy mà sau đó anh rời bỏ NCSA để bước vào thung lũng Silicon.

Trong 3 ngày 25-26-27 của tháng 5, hội nghị World Wide Web lần thứ nhất được tổ chức ở Geneva, Thụy Sĩ. Cùng thời điểm, Spyglass, Inc. mua được giấy phép sử dụng mã nguồn NSCA Mosaic và cho ra đời web browser của họ lấy tên là Spyglass Mosaic. Tuy vậy, các tác giả của Spyglass chỉ dùng lại rất ít mã nguồn Mosaic.

Mùa hè năm 1994, Thomas Reardon của Microsoft khởi động dự án Internet Explorer, dựa trên source code Spyglass Mosaic. Team của Thomas có 5 hoặc 6 người. Đến 16/8/1994 thì release được phiên bản 1.0, đưa Microsoft chính thức nhập cuộc.

Internet Explorer 1.0

Ở Silicon Valley, Marc gặp lại James Henry Clark, founder của Silicon Graphics., Inc. Họ đã quen nhau từ 1 năm trước. Cả hai tính chuyện lập ra một công ty start-up hoạt động trong lĩnh vực internet. James có tiền và quan hệ rộng. Marc có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Vậy là giữa năm 1994, Mosaic Communications Corporation được thành lập ở Mountain View, California. Marc lôi kéo thêm một số bạn bè cũ ở NSCA về công ty mới và bắt tay vào làm một web browser khác tốt hơn Mosaic.

Họ phải xây dựng mọi thứ từ đầu vì NSCA Mosaic được phát triển bằng tiền của trường đại học, không thể dùng lại.

Vẫn với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, nhóm thường code với nhau 48 giờ liên tiếp. Cứ như thế, vào ngày 13/10/1994, phiên bản beta đầu tiên của Mosaic Netscape đã chính thức được release cho người dùng download.

Mosaic Netscape 0.9 on Windows XP

Sáng tạo trong Netscape vượt xa bất cứ trình duyệt nào ở thời kỳ đó. Với Netscape, lần đầu tiên web browser biết “tải xuống đến đâu hiển thị đến đó”, các cookies và frames cũng bắt đầu được sử dụng.

Song song với Netscape, nhiều trình duyệt khác cũng theo nhau xuất xưởng: IBM Web Explorer, Navipress, SlipKnot, MacWeb… Telenor, công ty viễn thông lớn nhất Na Uy thời đó cũng khởi động một dự án nghiên cứu liên quan đến trình duyệt. Nhưng những cái tên đó chỉ làm nền cho Netscape trở thành lựa chọn số một của người dùng internet.

Cũng năm 1994, Håkon Wium Lie, một đồng nghiệp của Tim Berners-Lee ở CERN lần đầu tiên đề xuất khái niệm CSS. Tháng 8, Gijsber Bert Bos tạo ra một trình duyệt tên là Argo để hỗ trợ test CSS. Tháng 10, Tim Berners-Lee rời CERN và lập ra World Wide Web Consortium (W3C).

Netscape lên ngôi

Sau vài vụ tranh chấp về từ “Mosaic” với đại học Illinois, James và Marc phải đổi tên Mosaic Communications Corporation thành Netscape Communications Corporations, và Mosaic Netscape thành Netscape Navigator.

Năm 1995, Netscape Navigator đã đánh bại NSCA Mosaic để trở thành trình duyệt được sử dụng nhiều nhất thế giới. Cũng trong năm này, Netscape 2.0 đánh dấu một bước ngoặt mới của công nghệ với sự khai sinh ra ngôn ngữ JavaScript.

Ở phía sau Netscape lại có thêm vài tân binh như: OmniWeb, WebRouser, UdiWWW… Và bên Na Uy, Opera Software ASA đã bắt tay với Telenor để phát triển trình duyệt Opera.

Ngày 22/10/1995, Microsoft công bố Internet Explorer 2.0 beta.

Từ đó đến giữa năm 1996, Netscape ở trong thời kỳ hoàng kim với 75% thị phần web browser. Bên cạnh đó, vẫn có thêm vài cái tên mới như InternetWorks, Quarterdeck Browser, InterAp, và WinTapestry lặng lẽ chào đời.

Bert Bos về hẳn W3C để hoàn thiện W3C CSS Recommendation, cũng gọi là đặc tả CSS1. Do ảnh hưởng của Bos đối với đề án, về sau, cả Bos và Håkon đều được xem như những tác giả của CSS.

Team phát triển Internet Explorer của Microsoft bấy giờ đã lên đến trăm người. Sau 3 tháng làm việc, ngày 13/8/1996, họ công bố Internet Explorer 3.0, một phiên bản được viết lại hoàn toàn mới. Đây là web browser đầu tiên hỗ trợ CSS. Ngoài ra, họ còn tích hợp thêm ActiveX controls, Java Applets… Logo hình chữ “e” màu xanh chính thức được sử dụng.

Internet Explorer 3.0

Ở Na Uy, dự án của Opera Software và Telenor đã cho kết quả là phiên bản đầu tiên của MultiTorg Opera mà về sau từ 3.0 trở đi sẽ đổi tên ngắn gọn lại thành Opera.

MultiTorg Opera

Tháng 1/1997, NSCA thông báo ngừng phát triển Mosaic. Trình duyệt lịch sử này tới đây là tạm biệt sân chơi. Còn kẻ đã hạ gục nó, đứa em cùng cha, Netscape Navigator, vẫn đang tiếp tục dẫn đầu thế giới web browser.

Năm 2003, NSCA cũng còn tổ chức kỷ niệm 10 năm ngày ra đời NSCA Mosaic. Ngày nay, các bạn vẫn có thể download NSCA Mosaic từ server FTP của trường:

ftp://ftp.ncsa.uiuc.edu/Web/Mosaic/


Đại chiến lần thứ nhất

Tháng 6/1997, Netscape Communicator 4.0 ra đời. Jim Barksdale bấy giờ là CEO của Netscape đã quyết định thay chữ “Navigator” bằng “Communicator” vì nó không còn là một trình duyệt web thuần túy nữa mà đã trở thành tổ hợp của nhiều ứng dụng như Netscape Messenger, Netscape Composer… Netscape Navigator chỉ là 1 thành phần trong đó.

Tháng 10/1997, Internet Explorer 4.0 ra mắt công chúng. Theo hồi tưởng của Eric Sink, lúc này team phát triển IE ở Microsoft đã lên đến hơn 1000 người, dưới sự dẫn dắt của Scott Isaacs.
Phiên bản IE 4.0 dùng Trident làm layout engine.

Về kiến trúc phần mềm, web browser ngày nay luôn có 2 thành phần quan trọng:

  • Layout engine giữ nhiệm vụ phân tích DOM và CSS để render ra giao diện
  • JavaScript engine thông dịch mã JavaScript trong trang web thành mã máy để chạy
Trident chính là layout engine đầu tiên.

Mãi đến cuối 1997, Opera mới release phiên bản 3.0 hỗ trợ JavaScript. Sau đó Håkon – 1 trong 2 tác giả của CSS – về làm cho Opera Software. Nhờ vậy, Opera 3.5 release mấy tháng sau đã bắt đầu hỗ trợ CSS.

Thị phần của IE đang nhích dần lên, nhưng Netscape vẫn còn giữ tới 72%, trong khi IE chỉ mới có 18%. Opera và các trình duyệt khác chia nhau 10% còn lại, đủ đứng ở vòng ngoài.

Cùng với sự bùng nổ của hệ điều hành Windows, cuộc chiến giữa Netscape và IE diễn ra ngày càng kịch liệt. Vấn đề là chúng khác nhau xa. Bất chấp các chuẩn của W3C, một trang web khó lòng hiển thị tốt trên cả 2 trình duyệt. Vì thế người dùng thường gặp những thông điệp dạng: “best viewed in Netscape” hoặc “best viewed in Internet Explorer”, kèm theo link đến trang download của trình duyệt đó. Mãi đến những năm 2007-2008 tôi vẫn còn thấy nhiều trang web để như vậy.

W3C khởi xướng một cuộc chiến khác giữa các webmaster và developer để giành danh hiệu “Viewable With Any Browser”. Gắn được thông điệp đó trên trang chủ là cả một niềm vinh dự lớn lao.

Thành công của Windows biến Microsoft thành một gã khổng lồ, so với nó, Netscape Corp. chỉ là chú nhóc. Doanh thu của Netscape không đủ cho công ty tồn tại. Trong khi Microsoft sẵn sàng bỏ ra cho Apple số tiền lên đến 50 triệu USD chỉ để IE trở thành trình duyệt mặc định trong Macintosh.

Tháng 3/1998, Netscape mở mã nguồn Netscape Communicator cho cộng đồng phát triển. Ngay sau đó, Mozilla Organization được thành lập. Mozilla nguyên là code name gốc của Netscape Navigator. Các programmers chủ chốt của Mozilla Organization cũng đều được Netscape trả lương.

Tháng 8/1998, Netscape Corp. rơi vào tay America Online. Lúc này lực lượng developers của Netscape phân làm 2 nhánh, 1 thuộc về America Online, 1 hướng ra phía Mozilla và cộng đồng nguồn mở.

Bên nhánh Mozilla, các developers viết lại source code, xây dựng Gecko engine, và sau đó là Mozilla Application Suite. Nhóm developer ở AOL phát triển tiếp Netscape Communicator 5.0 nhưng bỏ dở nửa chừng để làm phiên bản khác sử dụng source code của Mozilla. Năm 2000, Netscape 6.0 được release.

Trong những ngày tháng chật vật của Netscape, Internet Explorer nhanh chóng vượt lên dẫn trước. Ngay từ 1999 thì IE đã chiếm lĩnh hơn 60% thị phần, chính thức bắt đầu một triều đại mới kéo dài hàng chục năm sau.

Năm 2000, IE đạt tới hơn 70%. Năm 2001, Microsoft release Internet Explorer 6. Đến 2002, thị phần của IE đã lên tới 96%. Netscape Communicator chỉ còn sống lay lắt.

Đại chiến trình duyệt lần thứ nhất đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn của IE và Microsoft.

Phượng hoàng tái sinh

Cũng như Netscape Communicator, Mozilla Application Suite bao gồm 1 bộ công cụ trình duyệt, message, email… Một số thành viên của Mozilla Organization như Dave Hyatt, Joe Hewitt và Blake Ross không nghĩ đó là chiến lược đúng đắn. Tháng 3/2003, Mozilla Organization thông báo thay đổi định hướng. Thay vì phát triển cả bộ ứng dụng trong Mozilla Suite, họ sẽ focus vào chỉ 2 sản phẩm: Firefox và Thunderbird.

Ngày 7/1/2003, Apple lần đầu công bố phiên bản beta Safari, chạy trên OS X.

Giao diện Safari 1.1.1

Ở vị trí độc tôn, suốt 5 năm từ 2001 đến tháng 10/2006, Microsoft không ra thêm phiên bản IE nào mới. Ngày nay, chúng ta thực sự không thể tưởng tượng nổi tốc độ phát triển của một sản phẩm công nghệ lại trì trệ như vậy!

Những năm tháng IE thống trị cũng là đêm trường trung cổ của WWW, cơn ác mộng của giới security. IE hỗ trợ VB script, có thể write xuống client. Virus, spyware… được mùa nảy nở rầm rộ. Thời bấy giờ, vào web trên Windows cũng như bơi thuyền trong giông bão, nếu không bị hack tài khoản thì ít ra cũng lôi về máy cả mớ virus! Chỉ có các công ty làm phần mềm Anti-virus là mặc sức ăn nên làm ra. Norton nặng nề như một cỗ đại pháo. Kaspersky hú còi inh ỏi. Rồi SpiderWeb, AVG, ClamAV, BullGoard… Tôi còn nhớ BullGoard, đỏ rực, rất mạnh mẽ. Ở Việt Nam cũng có một phần mềm biết quét virus gọi là Bkav. Dạo đó đâu đâu cũng thấy diễn đàn hacking, vừa hướng dẫn hack vừa hướng dẫn bảo mật! Hacker và các pro công nghệ thì đứng trên các hòn đảo an toàn mang tên *nix.

Nhiều chuyên gia đã buộc phải lên tiếng kêu gọi người dùng phổ thông không nên lướt web bằng IE nữa, như Bruce Schneier trong Safe Personal Computing.

Khỏi phải nói thêm về sự tệ hại của IE. Nhưng có nhiều web browser dựa trên nhân Trident của IE lại khá tốt. Như Maxthon hoặc AvantBrowser đều hỗ trợ tabs, plugins, bookmark, tùy biến giao diện… Chúng thông minh hơn IE rất nhiều.

Và những developers tốt nhất của Netcapse giờ đây tập trung vào Firefox ở Mozilla Fundation. Firefox đầu tiên có tên là Phoenix, rồi thay bằng Firebird, cuối cùng mới đổi sang Firefox như ngày nay.

Sau hàng loạt bản beta, ngày 9/10/2004, phiên bản 1.0 của Firefox đã chính thức được công bố.

Firefox 1.0

Đó cũng là ngày lịch sử WWW sang trang. Sự xuất hiện của Firefox như cơn mưa rào ngày nắng hạn. Những ai hiểu biết về máy tính một chút đều vồ lấy nó. Trên các diễn đàn người ta nhao nhao bàn tán về nó, ca tụng nó. Firefox nhẹ, đẹp, nhanh, chắc chắn. Tuyệt nhất là hệ thống plugins của nó. Tuy vậy, với đa số người dùng phổ thông, web mặc định vẫn chỉ gói gọn trong cái biểu tượng chữ E màu xanh nhạt mỏng manh yếu ớt cứ vào Windows là thấy.

Trong lúc Microsoft hứa hẹn về IE7, Mozilla Foundation, Opera Software và Apple đã bắt tay thành lập Web Hypertext Application Technology Working Group (WHATWG) nhằm phát triển XHTML và các chuẩn mới cho công nghệ web. Cũng chính WHATWG những năm sau này đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện đặc tả HTML5.

Tháng 6/2006, Opera Software ra mắt Opera 9. Đây không những là trình duyệt đầu tiên vượt qua Acid2 Test mà còn mang theo những tính năng độc đáo như widgets, Speed Dial, MHTML, built-in BitTorrent client… Công nghệ torrent và P2P lúc bấy giờ đang rất hot. Sau đó, Opera ngày càng hoàn thiện qua các bản 9.1, 9.2 và 9.3. Không thể phủ nhận, vào nửa cuối những năm 2000 này Opera vẫn luôn là một trình duyệt xuất sắc, thậm chí nổi bật hơn Firefox ở nhiều điểm. Số lượng fan của Opera khá lớn. Khi phiên bản Opera 9.5 được release vào tháng 10/2008, đã có tới 4.5 triệu lượt tải chỉ sau 5 ngày đầu tiên.

Ngày 18/10/2006, Microsoft release IE7, cũng bắt đầu hỗ trợ tab, zooming, tích hợp feed reader, search box… Tuy nhiên vẫn chưa pass Acid2 tests. Các chức năng trong IE7 chủ yếu vẫn là học lại từ Firefox và Opera nên hầu như không gây được ấn tượng. Microsoft tỏ ra quá chậm trong cuộc chạy đua này.

Đến 24/10/2006, Mozilla cho Firefox 2.0 xuất xưởng.

Ngày 11/6/2007, Apple ra mắt phiên bản Safari đầu tiên hỗ trợ Windows.

Ngày 15/10/2007, phiên bản chính thức của Netscape Navigator 9 được công bố. Trình duyệt này tuy dựa trên mã nguồn Firefox 2.0, nhưng có thêm khá nhiều tính năng thú vị. Ít ai ngờ đây cũng là thế hệ sau cùng của nhánh Netscape Navigator. Ngày 28/12/2007, AOL thông báo sẽ ngừng phát triển Netscape kể từ 1/2/2008, tuy nhiên sau đó lại kéo dài sang tới 1/3. Vẫn có thêm 1 bản cập nhật 9.0.0.6 vào 20/2.

Tháng 12/2007, Firefox ra phiên bản 3.0. Ở thời điểm này, Firefox đã có hơn 16% thị phần, Netscape còn khoảng 0.6%. IE vẫn giữ tới 77.4% nhưng thị phần của nó liên tục bị cắn xé. Có cảm giác chắc chắn rằng, IE không sớm thì muộn cũng sẽ bại trận trước Firefox.

Sau cái chết của Netscape vào 1/3/2008 khiến cho giới công nghệ tiếc nuối không ít, mãi đến cuối 2008, Google mới tung vào sân chơi một đấu thủ mới. Đó là ngày 11/12, phiên bản đầu tiên của Chrome trên Windows được ra mắt cộng đồng. Đi kèm với nó là phiên bản nguồn mở Chrominum cho cả Windows, Linux và Mac.

Cuối 2009, đầu 2010, Firefox 3.5 đã trở thành trình duyệt phổ biến nhất, với hơn 32% thị phần. IE phải gộp cả mấy phiên bản 6, 7 và 8 lại thì mới được khoảng 49%. Đây là giai đoạn mà trên Windows, chức năng chính của IE chỉ là dùng để tải các trình duyệt khác.

Trước đó, tháng 3/2009, Microsoft đã release IE8 nhưng không nhiều cải thiện. Phải đến tháng 3/2011, khi IE9 ra đời, Microsoft mới tạm gọi là bắt nhịp được với chuẩn web hiện đại.

Thời kỳ thống trị của IE đến đây xem như đã chấm dứt, nhường chỗ cho Firefox bước lên đỉnh vinh quang.

Chrome là số một

Tuy nhiên, không ai nghĩ rằng Firefox sẽ giữ được vòng nguyệt quế dài lâu. Tân binh Chrome quá mạnh!

Chrome là một cuộc cách mạng về giao diện của trình duyệt. Nó đơn giản như Google. Các trình duyệt trước đó có quá nhiều toolbar, icons… Nào là menu bar, address bar, search box, tab bar, favorite bar, plugin bar, status bar… chiếm hết nửa màn hình. Chrome bỏ hết chỉ giữ lại tab bar và address bar, còn lại là không gian hiển thị trang web. So sánh giao diện Chrome với các trình duyệt khác tựa như nhìn một cô gái xinh đẹp thuần khiết với mấy con mẹ thành thị mặt đắp đầy son phấn và lủng lẳng các loại nữ trang!

Tốc độ vượt trội, tính năng mạnh mẽ, giao diện sáng sủa. Khỏi cần phải nói, ngay lập tức Chrome đã giành được cảm tình của người sử dụng.

Đặc biệt, nhịp độ phát triển của Chrome vượt xa mọi trình duyệt khác. Ngay cả Firefox với cộng đồng to lớn của nó cũng phải vài tháng nửa năm mới ra được một phiên bản mới, trong khi Chrome tự động update hàng ngày, mỗi tháng đều đặn upgrade lên một version.

Một năm sau ngày ra mắt, tháng 10/2009, Chrome đã chiếm được hơn 3.6% thị phần và tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh hơn kể từ khi có phiên bản Chrome cho Mac OS. Sang đến tháng 11/2011, thị phần của Chrome đã ngang ngửa Firefox.

Đồ thị dưới đây cho thấy sự bứt phá thần tốc của Chrome đối nghịch với quá trình tụt dốc thảm hại của IE trong vòng 6 năm từ 2008 đến 2014:
Web browser world time series since 2008 to 2014
Ngày nay, sân chơi trình duyệt không còn trăm hoa đua nở như thập niên trước. Mọi thứ đã đi vào ổn định. Chrome vững vàng ở ngôi vị trình duyệt số 1 trên thế giới, giữ khoảng 50% thị phần.

Kế tiếp là Firefox, IE và Safari, mỗi loại dao động trong khoảng 12% đến 18%. Từ tháng 5/2012, Apple đã ngừng phát triển Safari cho Windows. Nhưng thị phần của Safari không vì thế mà suy giảm, ngược lại, nhờ sự thành công của thương hiệu Apple, Safari từng bước chen lên top 4, đôi khi còn vượt qua cả Firefox.

Ở cuối top 5 trình duyệt phổ biến nhất thế giới, Opera vẫn luôn kiên trì đứng đó, mặc dù thị phần của nó chưa bao giờ đạt tới 5%.

Chrome sẽ còn thống trị thế giới trình duyệt web bao lâu nữa? Cái tên nào sẽ thay thế nó? Microsoft Edge hay Vivaldi? Có lẽ chúng ta phải chờ 5 hay 10 năm nữa mới biết được!


Links tham khảo: