Ăn uống


Dân ta có vẻ khoái công thức "ăn"+event! Ăn tết, ăn rằm, ăn mùng 3 tháng 3... ăn cưới, ăn hỏi, ăn đầy tháng, ăn giỗ... Trong các ngữ động từ này, tên sự kiện dùng như bổ ngữ cho động từ "ăn", giải thích lý do vì sao mà phát sinh cái sự "ăn". Tôi gọi đó là "ăn nhân dịp".


Thời cơ cực, các chủ nhân của đất nước quanh năm quần quật làm lụng mà đói hoài vẫn đói, thế mới sinh ra tệ "ăn chực", tức là tới nhà khác vào lúc gần bữa cơm, rồi nhân tiện nhảy vào đánh chén. Tệ này bị chế giễu nhiều trong các chuyện cười dân gian còn lưu truyền lại.


"Ăn nhân dịp" tôi cho là một hình thức "ăn chực" được chuẩn hóa bằng lễ nghi. Nhớ xưa, mỗi khi tết đến, các gia đình ở quê đều chuẩn bị sẵn vài mâm cơm, để trên ban thờ, khách tới thì làm thủ tục chúc tụng nhau vài câu xong là lôi mâm xuống, chủ khách ra vẻ tri kỷ tương phùng như bác Bị bác Tháo năm xưa, vừa nhai ngấu nghiến vừa nói chuyện các anh hùng làng trên xóm dưới. Khách ra về rồi, vợ chồng hì hục điểm lại các món, mới ngậm ngùi : Lão ấy xơi mất mẹ nó 5 miếng chả lụa vị chi là 62,5% đĩa, chiều sang nhà lão phải cố ăn lại cho bõ tức!


Ngày nay, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và nhà nước, dân ta ai cũng đã có thừa cơm ăn áo mặc. Mấy chuyện đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành chả còn ai làm nữa. Cơ mà vật cực tất phản, trong khi phụ nữ bắt đầu mặc ít vải đi vì có quá nhiều vải, đàn ông cũng ăn ít hơn vì có quá nhiều thứ để ăn, họ buộc phải chuyển sang uống để đảm bảo cân bằng sinh hóa. Cccc gì cũng uống. "Ăn nhân dịp" trở thành "uống nhân dịp". Cái ăn chỉ còn ý nghĩa tô điểm cho cái uống, và hiện diện trong "dịp" dưới hình thức "mồi". Người đến chúc tết nhà khác vẫn mang theo những câu chúc tụng đã thành công thức để đối lấy cái tương tự nơi chủ nhà. Nhưng không còn thấy cỗ bàn la liệt nữa. Tất cả linh đình thịnh soạn có thể được cô đọng trong một khoanh giò. Mấu chốt nằm ở thức uống. Khá giả thì sâm banh, vang ngoại, ít tiền thì vốt ka, cuốc lủi, dân dã thì bia lon... Bật nắp, blablabla dzô dzô, và uống. Mùi bia rượu vun đắp cho niềm tin tưởng về tình bằng hữu và nghĩa huynh đệ. Hơi men khơi dậy ảo giác về sự thấu hiểu và cảm thông. Những chiếc cối xay gió chỉ là cối xay gió trong mắt độc giả của cụ Xéc van téc, còn với chàng hiệp sĩ xứ Mancha, đấy mãi mãi là bọn khổng lồ thực thụ. Khi những thiện cảm cá nhân phải bám víu vào một vài mô thức để chứng tỏ sự tồn tại của nó thì đó chỉ là những thứ thiện cảm được giả lập.


Dù có thế nào, từ "ăn nhân dịp" chuyển sang "uống nhân dịp" vẫn đánh dấu một bước tiến vĩ đại trên con đường quá độ đi lên CNXH của nước ta. Nó cho thế giới thấy rằng dân ta không còn đói nữa, mà chỉ còn khát thôi. Khát một cái gì đó không phải nước, cô ca cô la hay bia rượu. Một thứ gì đó không ồn ào huyên náo sáo rỗng.


Có lẽ là sự thanh lặng của chân tình.