Bản Symphony số 4 của J.Brahms

Không còn từ nào khác hơn để đánh giá tác phẩm này ngoài hai chữ "trác tuyệt". Cả tuần nay trong đầu tôi lúc nào cũng văng vẳng giai điệu của những thanh âm trong Giao hưởng số 4 cung Mi thứ.

Đây là bản giao hưởng cuối cùng của Johannes Brahms, nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức. Được viết trong khoảng thời gian từ năm 1884 đến năm 1885, tác phẩm gồm 4 chương, tổng thời gian trình diễn dài hơn 45 phút. Trong đó chương 3 ngắn nhất, chỉ kéo dài 6 phút rưỡi.

Johannes Brahms

Tác phẩm được soạn cho dàn nhạc gồm bộ đàn dây, 2 cây flute, 2 kèn oboe, 2 kèn clarinet, 2 kèn bassoon nhỏ, 1 kèn bassoon lớn, 4 kèn horn của Pháp, 2 cây trumpet, 3 cây trombone, dàn trống (timpani), và triangle (nhạc cụ thuộc bộ gõ, bằng kim loại dạng thanh uốn thành hình tam giác) dùng cho riêng chương thứ 3.



Nếu chương 2 của tác phẩm là một bản trường ca đan xen những khoảnh khắc hùng tráng và trữ tình; chương 3 tưng bừng rộn rã như một ngày hội; và chương 4 tha thiết những giai điệu u uẩn, càng về cuối càng biểu đạt rõ ràng hơn một nội tâm giằng xé dữ dội; thì chương đầu tiên khiến tôi thích nghe nhất.

Ngay khi vào đầu movement này, tôi đã bắt gặp nhạc đề chính do dàn đàn dây đảm nhiệm. Nhạc đề này được phát triển lên cao trào với những hành âm nghịch và kỹ thuật đối điểm được áp dụng một cách khéo léo giữa các bè của đàn dây và các nhóm flute, oboe, clarinet. Cuối phút thứ 2, có sự chuyển giọng sang Xi thứ. Sau một vài nốt chùm ba được gảy với đàn dây, nhạc đề phụ xuất hiện ở nửa sau phút thứ 3. Trong nhạc đề 2 này trỗi lên vai trò của bộ hơi, nhóm flute, clarinet và horn, chậm dần về cuối để rồi trở về với nhạc đề 1 vào nửa đầu phút thứ 5.

Suốt tiến trình âm thanh, đôi khi có những nốt Son thăng được tạo ra bởi bộ hơi. Các cung Đô thưởng, Rê trưởng, Xi trưởng, Son trưởng, Son thứ, Mi thứ được chuyển đổi qua lại giống như cách phối khí trưởng thứ song song mà tôi chưa hiểu rành rẽ nên không dám khẳng định chắc.

Đầu phút thứ 7 có sự đối đáp giữa bộ dây và bộ hơi, bộ hơi bắt nhịp sang La giáng trưởng, trong khi đáp lại những nét nhạc của bè giai điệu mà bộ dây vẫn duy trì, rồi chuyển cung sang Son thăng thứ. Kế đó là một đoạn nhạc rất huyền hoặc, vẽ lên một không gian u ám, mờ dần và sau đó bắt đầu miêu tả lại nhạc đề chính nhưng kéo dài trường độ các nốt nhạc bằng kỹ thuật trường bội. Nhạc đề chính một lần nữa được diễn giải theo một đường hướng khác với 2 lần trước. Nhạc đề phụ tái hiện ở phút thứ 11 nhưng lần này với cung Mi trưởng. Những hợp âm bung ra mạnh mẽ cuối nhạc đề 2 rồi bất ngờ quay sang nhạc đề 1 với nhịp độ không đổi, khiến cho nhạc đề 1 sôi nổi hẳn lên trước khi đi vào đoạn kết với hợp âm chủ Mi thứ. Bức màn âm thanh khép lại trong ngỡ ngàng.

Leonard Bernstein

Tôi đã nghe Symphony số 4 này qua những phiên bản của các nhạc trưởng Herbert von Karajan, Leonard Bernstein, Carlos Kleiber và Victor De Sabata, nhưng ấn tượng hơn cả với phong cách của Leonard Bernstein. Mời các bạn cùng thưởng thức tác phẩm Giao hưởng số 4 cung Mi thứ của Johannes Brahms, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Mỹ Leonard Bernstein :
  1. Chương 1, Allegro non troppo, cung Mi thứ.
  2. Chương 2, Andante moderato, cung Mi thứ/Mi trưởng.
  3. Chương 3, Allegro giocoso, cung Đô trưởng. 
  4. Chương 4, Allegro energico e passionato, cung Mi thứ.
Đây là sheet nhạc cho từng chương để các bạn tải về tham khảo về nếu muốn