Myzone - Một hệ thống mạng bách khoa toàn thư xã hội


Ngày 28/10 tới, Green Global chúng tôi sẽ release một hệ thống mạng xã hội có tên là YouLook. Hệ thống YouLook đã được phát triển từ 1 năm trước dưới code name Myzone. 

Bài viết này giới thiệu với các bạn những nét khái quát về core concept của Myzone, về các mô hình mạng xã hội, về cuộc chiến giữa các bách khoa toàn thư... Nội dung trích từ một tài liệu do chính tôi đang chấp bút.

Myzone xuất phát từ những ý tưởng giản dị và thiết thực. Cái đích Myzone hướng đến là trở thành một mạng xã hội kiểu mới, dựa trên các nguyên lý về tích hợp và cải biến.

Thế nào là một mạng xã hội kiểu mới và điều gì đem đến sự khác biệt cho Myzone? Ngay từ khi bắt đầu giai đoạn brainstorming, chúng tôi đã có nhiều tranh luận sôi nổi về những hình thái mạng xã hội phổ biến.

Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy hiện nay trên thế giới có ít nhất 8 kiểu mạng xã hội. Mỗi kiểu mạng xã hội này đều có một yếu tố phía sau đóng vai trò hạt nhân gắn kết các mối quan hệ ở tầng người dùng. Yếu tố đó chúng tôi gọi là "nền tảng quan hệ".

- Social network : như Facebook, LinkedIn… vận động xung quanh những liên hệ trực tiếp có tính chất cá nhân hoặc nghề nghiệp.

- Social news : như Digg, Google+... tin tức sự kiện là trọng tâm của các hoạt động diễn ra trên các mạng xã hội này. Thành viên của họ chia sẻ với nhau những tin tức nóng hổi - thường ở dạng link tham chiếu tới các trang bên ngoài.

- Interest network : như StumbleUpon, Pinterest... vận hành xung quanh các nhóm sở thích.

- Bookmarking : như Twitter, Digg… làm việc trên các địa chỉ web.

- Media sharing : như YouTube, Flickr…  loại hình này hoạt động xung quanh một số dạng tài nguyên multimedia có thể chia sẻ được qua môi trường web.

- Blogging/Forum : như Blogspot, Wordpress… lưu trữ chia sẻ các article được viết theo cảm quan và trải nghiệm cá nhân.

- Co-developer : như GitHub, Koding… kết nối developers với nhau xung quanh các platform và source code.

- Ask and answer : như Quora, StackOverflow… kết nối newbies và experts quanh các vấn đề chuyên môn khác.

Nền tảng quan hệ là cái gì đó chung nhất giữa tất cả mọi người dùng trên một mạng xã hội, phản ánh mối quan tâm chung của các thành viên, và thường là core concept của mạng xã hội đó. Tất cả user trên Facebook đều quan tâm đến các friends. Users của YouTube quan tâm đến các videos. Users trên Twitter quan tâm đến các links… Nền tảng quan hệ tạo ra mạch sống xuyên suốt,  giúp cho người dùng trong mạng xã hội liên kết với nhau, không ngừng tương tác trên nó và mở rộng quan hệ ra xung quanh nhằm thu được nhiều hơn những cái họ muốn.

Chúng tôi tin rằng để làm nên sự khác biệt so với những mạng xã hội đang tồn tại, Myzone nhất thiết phải tìm ra cho chính nó một nền tảng quan hệ thật mới mẻ.

Và chúng tôi quyết định chọn Kiến thức.

Kiến thức là nền tảng quan hệ trong Myzone


Đồ thị kết nối con người với tri thức - Ảnh : yourstory.in

Để đi đến quyết định ấy, chúng tôi đã lùi lại 200 năm trước, khi mà công nghiệp in ấn còn đang rất thịnh vượng. Bấy giờ có một nguồn tham khảo kiến thức hàn lâm được cả thế giới đánh giá cao và sử dụng như tài liệu khoa học chính thống: Báck khoa toàn thư Encyclopedia Britannica. Bộ sách đồ sộ này hiện diện trong thư phòng của hầu như mọi học giả, các nhà quý tộc và chính khách. Giới thượng lưu xem nó như biểu tượng của tri thức khoa học. Giai đoạn lịch sử mà đế chế bách khoa toàn thư Encyclopedia Britannica ngự trị đã kéo dài từ 1768 cho đến mãi những năm 1990 mới bị đe dọa bởi một thế lực non trẻ.

Đó là vào năm 1992, Bill Gates chính thức mua lại Funk & Wagnall và đưa nội dung kiến thức trong bách khoa toàn thư hạng xoàng này vào phiên bản đầu tiên của MSN Encarta. Trước đó, Bill đã ấp ủ ý tưởng làm ra một encyclopedia kỹ thuật số bằng nguồn nội dung lấy từ Encyclopedia Britannica, nhưng việc thương lượng hợp tác không thành công. Chất lượng nội dung của MSN Encarta không thể nào sánh bằng Encyclopedia Britannica nhưng bù lại, nó có hình ảnh, âm thanh sống động. Và điều tiên quyết là : thế giới đã bước sang kỷ nguyên PC. Chẳng mấy chốc, chiếc CD nhỏ bé đã dần thay thế vị trí của bộ sách đồ sộ. Những nỗ lực của Encyclopedia Britannica sau này đã không còn kịp để cứu vãn tình thế.

Suốt nhiều năm sau đó, MSN Encarta hiện diện trong hầu hết các máy tính cài Windows. Thành công của Windows đã đem MSN Encarta đi khắp thế giới, len lỏi vào mọi gia đình, trường học.  MSN Encarta trở kẻ thống trị vương quốc bách khoa tri thức nhân loại cho đến khi Wikipedia xuất hiện.

Tháng 9 năm 2000, Jimmy Wales và Larry Sanger bắt tay vào xây dựng một bách khoa toàn thư trực tuyến trong dự án có tên Nupedia, thuộc công ty Bomis. Sau đó, họ tách Wikipedia ra khỏi Nupedia và chính thức công bố thành lập Wikipedia.org vào ngày 15/1/2001. Chỉ có một ngôn ngữ là tiếng Anh.

Open, free và dễ truy cập. Số lượng contributors, articles và languages không ngừng tăng trưởng. Đó cũng là lúc thế giới bước vào kỷ nguyên internet. Wikipedia đã soán ngôi của MSN Encarta rất nhanh chóng để trở thành bách khoa toàn thư được dùng nhiều nhất thế giới. Năm 2009, Microsoft khai tử Encarta, chấm dứt gần 20 năm làm mưa làm gió trên thị trường bách khoa toàn thư.

Đã hơn một thập kỷ trôi qua, vẫn chưa có nguồn tri thức tham khảo nào đủ mạnh để đe dọa sự tồn tại của Wikipedia. Nhưng người ta đã phát hiện ra ngày càng nhiều vấn đề bên trong nội tại của hệ thống bách khoa toàn thư trực tuyến này, mà thể hiện rõ rệt nhất ở mâu thuẫn giữa hai trường phái deletionism và inclusionism (1). Chúng tôi xem đây là nhược điểm chí mạng của Wikipedia mà Myzone có thể lợi dụng được để chen chân vào lĩnh vực bách khoa tri thức.

Wikipedia chủ chương là mở, nhưng nó không thực sự mở đúng nghĩa. Một trong những yêu cầu đối với contributors của Wikipedia khi viết bài là phải đứng trên quan điểm trung lập. NPOV hay Neutral point-of-view là chính sách áp dụng bắt buộc đối với mọi bài viết trên Wikipedia. Điều này cũng có nghĩa rằng mọi contributors của Wikipedia đều phải thủ tiêu cái tôi của họ để phản ánh nội dung từ góc nhìn khách quan trung lập nhất có thể. Những bài viết không tuân theo tôn chỉ đó sẽ bị loại trừ. Đó là phương châm làm việc của nhóm deletionism. Những người theo inclusionism không nghĩ vậy. Họ cho rằng cần phải dung nạp cái nhìn cá nhân và rằng tri thức nhân loại không còn là tri thức nhân loại nếu cái tôi cá nhân của người viết không được thừa nhận.

Trên Wikipedia, deletionism vẫn đang thắng thế. Các bài viết của Wikipedia luôn mang dáng vẻ hàn lâm. Người dùng Wikipedia chỉ có thể đọc nội dung mà không thể tranh cãi gì thêm về nội dung đó. Wikipedia là mở, nhưng lại thiếu sự cởi mở với người dùng cuối. Chúng ta không bàn về tính đúng hay sai của hướng đi này, nhưng rõ ràng như thế là không đủ đáp ứng ham muốn tri thức của phần lớn nhân loại. Xét về mặt công năng, Wikipedia không khác mấy so với một bộ sách Encyclopedia Britannica đồ sộ nằm trên giá sách, hay chương trình MSN Encarta, mà chúng ta chỉ có thể đọc, xem, nghe từ một chiều duy nhất, tức là qua cách nhìn được xem là trung lập của người soạn thảo.

Ngoài ra, khi tham khảo một tài liệu trên Wikipedia, chúng ta không thấy được quan hệ giữa vấn đề nêu ra trong tài liệu đó với những sự vật hiện tượng khác nằm trong cùng một trường kiến thức cần quan tâm, và cũng không có khả năng xem xét nó từ những phạm trù liên quan khác.

Thế giới ngày nay đã là thế giới đa chiều.

Google cố gắng phản ánh tính chất đa chiều và quan hệ giữa các sự vật hiện tượng trên thế giới thông qua một đồ thị tri thức của họ. Đồ thị này được xây dựng trên hệ thống cơ sở dữ liệu Freebase, các tài liệu của Wikipedia, và chức năng tìm kiếm của Google Search Engine. Myzone của chúng ta cũng đang đi theo con đường này nhưng được bổ sung thêm một nhân tố mới, đó là mạng xã hội.

Myzone áp dụng một mô hình mạng xã hội kiểu mới, dựa trên nền tảng quan hệ là kiến thức. Về sau này, chúng tôi có đưa ra một công thức để diễn tả khái niệm Myzone như dưới đây :

Myzone = Knowledge Graph +  (Interest Network + Social Network)

Đơn cử một sự khác biệt căn bản giữa Myzone và Wikipedia, khi tìm hiểu khái niệm Napoleon, Wikipedia chỉ cung cấp một bài viết duy nhất về Napoleon. Myzone, ngoài việc cho biết Napoleon là ai, còn cung cấp hàng loạt bài viết, hình ảnh và video về Napoleon, cho phép nhìn  Napoleon dưới góc độ một nhà chính trị hoặc một nhà quân sự, hoặc như một nhân vật lịch sử, một người gây ảnh hưởng ở Châu Âu và thế giới… Myzone cũng liên kết khái niệm Napoleon với các trận đánh của Napoleon, các bộ phim và sách viết về Napoleon, các nhân vật khác trong dòng họ Bonaparte, các nhân vật cùng thời… Myzone còn cho biết những ai trong hệ thống đang quan tâm đến khái niệm Napoleon, họ đã cung cấp nội dung gì, đánh giá thế nào về Napoleon... Rất nhiều thứ xung quanh một khái niệm.

Myzone không bó hẹp trong các tri thức hàn lâm mà hướng đến phần đông nhân loại với những mối quan tâm thường nhật. Các bà mẹ có thể dễ dàng chia sẻ một công thức nấu món thịt hầm và thảo luận với nhau. Công thức nấu ăn đó sẽ trở thành một định nghĩa trong Myzone. Các chủ doanh nghiệp có thể dễ dàng giới thiệu về công ty của họ, tạo liên kết với  các nhân viên của công ty, các dự án triển khai bởi công ty, các đối tác đang làm việc với công ty... Trong đó, mỗi nhân viên có thể là một user trong hệ thống Myzone, mỗi dự án hoặc đối tác cũng là một định nghĩa độc lập trong Myzone...

Đó là một hệ thống bách khoa toàn thư không ngừng vận động; một cộng đồng mạng xã hội tương tác với nhau và cùng nhau tương tác lên một mạng lưới kiến thức tổng hợp rộng lớn; một mạng xã hội  chưa từng có trên thế giới.


Giao diện Myzone application trên iPhone

Myzone tuân theo nguyên lý sáng tạo dựa trên cải biến và tích hợp. Myzone thừa kế những concept cũ và tạo ra một con đường hoàn toàn mới. Myzone bao gồm trong nó các chức năng của hầu hết các loại hình dịch vụ hiện tại :

- cung cấp thông tin cá nhân và tổ chức như một website thông thường
- kết nối con người như Facebook
- kết nối các tổ chức như LinkedIn
- chia sẻ links như Twitter
- chia sẻ phim như YouTube
- chia sẻ hình ảnh như Flickr
- chia sẻ tin tức sự kiện như trên Google+
- chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cá nhân như trên các dịch vụ blogging
- cung cấp nội dung tham khảo như Wikipedia
- tìm kiếm như trên Google

Tóm lại, chỉ với Myzone,  người sử dụng internet có thể làm được rất nhiều thứ mà không phải chạy đi chạy lại giữa các dịch vụ, không phải quản lý quá nhiều tài khoản.

Trong thời gian tới, để chuẩn bị cho sự ra mắt Myzone, chúng tôi sẽ tiếp tục publish những thông tin thú vị liên quan đến hệ thống bách khoa toàn thư xã hội mới mẻ này, mời các bạn theo dõi.


Chú thích :

1. Các thuật ngữ này có lẽ vẫn chưa có từ tương ứng trong tiếng Việt. Chúng tôi tạm dịch deletionism thành "chủ nghĩa thanh lọc" và inclusionism thành "chủ nghĩa bao gồm".